TÌNH TRẠNG THIẾU MÁU KHI CAI SỮA HEO CON
Sắt là yếu tố vi lượng không thể thiếu vì sắt tham gia vào nhiều chức năng sinh học như: liên kết và vận chuyển oxy, chuyển hóa oxy, tổng hợp DNA và các phản ứng oxy hóa khử (Gozzelino và Arosio, 2016). Chất sắt có liên hệ chặt chẽ với việc tạo hồng cầu, là một yếu tố không thể thiếu đối với sự tăng trưởng và phát triển của heo con. Thiếu sắt dẫn đến thiếu hụt hemoglobin (Hb) và tăng mức độ bất thường của hồng cầu, đặc biệt là gây thiếu máu do thiếu sắt (Iron deficiency anemia, IDA).
Hơn nữa, heo con sau sinh có khả năng tăng trọng đặc biệt nhanh, tăng trọng gấp đôi sau 7 ngày và gấp 4 lần sau 21 ngày (Szudzik và cs., 2018). Heo con cần nhu cầu sắt trung bình 7-16mg/ngày, trong khi cơ thể heo con có dự trữ sắt khá thấp và sắt cung cấp rất kém qua sữa mẹ (Svoboda và cs., 2017). Heo con có trọng lượng lớn và tăng trưởng nhanh, khi cai sữa sẽ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn so với heo nhẹ cân (Perri và cs., 2016).
Trong thực tế chăn nuôi công nghiệp, heo con thường được cung cấp 200mg sắt. Tuy vậy, liều tiêm 200mg sắt chỉ đủ hỗ trợ 4kg tăng trọng và ước tính heo con cần 390mg sắt để ngăn ngừa thiếu sắt khi cai sữa 28 ngày tuổi với trọng lượng đạt 7kg (Van Gorp và cs., 2012). Do đó, kiểm soát thiếu sắt trên heo sau cai sữa là vấn đề cần thiết nhằm mục tiêu tối ưu tăng trưởng của heo con.
THIẾU SẮT TRÊN HEO SAU CAI SỮA
Thiếu sắt ở heo con theo mẹ gây rối loạn chức năng của các cơ quan khác nhau. Mặc dù sau đó việc phục hồi thiếu sắt được thực hiện, nhưng một số cơ quan không thể khôi phục lại tất cả các chức năng của chúng.
Knight và Dilger (2018) nghiên cứu tác động lâu dài của IDA trên heo con sử dụng chế độ ăn ít chất sắt. Kết quả, IDA đầu đời gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sự tăng trưởng và phát triển của các cơ quan. Heo bị IDA có lượng thức ăn ăn vào và tăng trọng giảm nghiêm trọng so với đối chứng, và những ảnh hưởng này vẫn còn ngay cả khi đã bổ sung chất sắt trong chế độ ăn (Hình 1).
Hình 1: Ảnh hưởng của thiếu sắt đến trọng lượng heo.
Nghiên cứu này cho thấy, heo bị IDA có thể tích hồng cầu (Hct, hematocit) và nồng độ hemoglobin (Hb) giảm rõ rệt ở hai tuần đầu đời và kéo dài đến 32 ngày tuổi, nhưng cả Hct và Hb đều nhanh chóng phục hồi về mức tương đương so với nhóm đối chứng sau khi bổ sung sắt trong chế độ ăn ở giai đoạn sau (32-61 ngày tuổi). Thiếu sắt trong giai đoạn đầu đời của heo con có thể thay đổi thành phần hệ vi sinh vật đường ruột và nồng độ axit béo bay hơi trong ruột già của heo; tuy nhiên những khác biệt này về cơ bản đã trở lại bình thường sau khi bổ sung sắt trong chế độ ăn (Knight, 2019).
Cơ chế điều hòa hấp thu sắt của ruột có thể không hoạt động đầy đủ trong những tuần đầu sau cai sữa (Hansen, 2010). Giai đoạn 31-38 ngày tuổi là quan trọng, chất sắt trong khẩu phần bắt đầu ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng Hb và thể tích hồng cầu ở heo (Jolliff và Mahan, 2011).
Giai đoạn chuyển tiếp từ bú sữa sang giai đoạn cai sữa là một trong những yếu tố gây thiếu máu cho heo con. Một khảo sát trên 1095 heo con từ 20 trại heo ở Canada, với 60 heo con/trại, mổi ổ đẻ chọn 3 heo con với trọng lượng thấp, trung bình và cao (Perri, 2016), kết quả cho thấy khoảng 35% heo con bị thiếu máu khi cai sữa và tỉ lệ thiếu máu sau cai sữa 3 tuần tăng lên 60%.
Ngoài tác động của việc cai sữa đối với bệnh thiếu máu của heo con, việc sử dụng hàm lượng oxit kẽm ZnO cao hơn 2000ppm (2000mg/kg) để kiểm soát các bệnh tiêu chảy trong khẩu phần ăn của heo con cai sữa làm cản trở sự hấp thu sắt, gây thiếu máu trên heo sau cai sữa.
KHẢO SÁT VIỆC THIẾU SẮT Ở HEO SAU CAI SỮA
Tổng cộng 9 trại heo công nghiệp có quy mô khác nhau từ 200 đến 2400 heo nái sinh sản, phân bố tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu). Thời gian khảo sát từ tháng 8/2022 đến tháng 2/2023.
Heo con của những trại này được tiêm sắt vào lúc 2-3 ngày tuổi với liều tối thiểu 200mg sắt. Khi cai sữa, mỗi ổ đẻ chọn 3 heo con có trọng lượng khác nhau: heo nhẹ cân (1-1.3 kg), heo trọng lượng trung bình (1.3-1.6 kg) và nhóm heo nặng cân (>1.6kg) để lấy máu kiểm tra hàm lượng Hb. Tổng cộng 1476 heo con từ 492 ổ đẻ được lấy mẫu máu kiểm tra hàm lượng Hb khi cai sữa (trung bình 24 ± 1 ngày), mỗi trại có ít nhất 10 ổ đẻ hoặc cao nhất là 110 ổ đẻ được kiểm tra hàm lượng Hb bằng máy HemoCue 201+.
Các bước tiến hành theo khuyến cáo của nhà sản xuất (Hình 2). Lấy máu tĩnh mạch tai heo con cho nhỏ ra thành giọt (bước 1), đặt cuvette (dụng cụ hút giọt máu tự động) vào giọt máu cho lấp đầy khe cuvette và lau sạch bề mặt ngoài (bước 2 và 3), sau đó đặt cuvette vào khay đựng đúng chiều (bước 4), chờ khoảng 10 đến 20 giây, máy sẽ tự động hiển thị kết quả đo hàm lượng Hb.
Heo con được xem là thiếu máu khi hàm lượng Hb trong máu thấp hơn 90g/L, ngưỡng tối ưu khi Hb>110 g/L, thiếu máu cận lâm sàng (IDA cận lâm sàng) khi 90<Hb≤110 g/L (Bhattarai và Nielsen, 2015).
Hình 2: Các bước đo Hb bằng máy HemoCue 201+
Kết quả đo hàm lượng Hb trong máu heo cai sữa ở các trại khảo sát được trình bày qua Bảng 1. Nhìn chung, heo con có hàm lượng hemoglobin (Hb) với sự khác biệt rất có ý nghĩa (p<0,001) giữa các trại khảo sát, có 3/9 trại có hàm lượng Hb trung bình dưới ngưỡng tối ưu hay bị thiếu máu do thiếu sắt (Hb<110 g/L).
Bảng 1: Hàm lượng Hb trên heo cai sữa (g/L)
Các ký tự không trùng nhau được so sánh theo hàng ngang, có sự khác biệt khi không có trùng bất kỳ ký tự nào (a,b,c,d). Khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p<0,05.
Kết quả cho thấy, heo con thiếu máu do thiếu sắt (IDA) tại thời điểm cai sữa chiếm tỉ lệ tương đối cao, chiếm 56.4% (Hình 3). Trong đó, heo cai sữa bị thiếu máu lâm sàng (Hb<90 g/L) chiếm 18.2%; thiếu máu cận lâm sàng (IDA cận lâm sàng) chiếm 38.2%. Đặc biệt trong khảo sát này, trại B có tỉ lệ heo con cai sữa bị thiếu máu IDA là 96.4% với mức Hb trung bình thấp nhất (91 ± 13 g/L). Tuy vậy, khác biệt về sự thiếu máu chủ yếu tập trung trên heo con tại một số trại (trại A, B, C, D, E); trong khi các trại còn lại có Hb đạt mức tối ưu (Hb>110 g/L) rất cao, thấp nhất là 88% (trại P) và cao nhất là 100% (trại H).
Hình 3: Tỉ lệ heo con cai sữa bị thiếu máu do thiếu sắt (IDA) trên các trại khảo sát khác nhau
Đây là kết quả khảo sát đầu tiên và được thực hiện trên quy mô đàn lớn (1476 mẫu) tại Việt Nam, chưa có số liệu khảo sát trước đây. Tại Canada, khảo sát trên tổng số heo khảo sát 1059 con từ 20 trại heo nuôi công nghiệp (Perri và cs., 2016) cũng cho thấy, heo con khi cai sữa bị IDA khoảng 35%.
Khảo sát đồng thời đo lường hàm lượng Hb và cân trọng lượng khi cai sữa trên 326 cá thể. Kết quả cho thấy sự tương quan nghịch giữa trọng lượng và hàm lượng Hb (g/L) theo phương trình hồi quy tuyến tính Hb (g/L) = 117.12 - 1.362 * Trọng lượng với mức ý nghĩa p<0,05 (Hình 4). Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu trước đây (Bhattarai và Nielsen, 2014; Bhattarai và Nielsen, 2015; Perri và cs., 2016), heo nặng cân và heo có tăng trọng nhanh dễ bị thiếu sắt và thiếu máu khi cai sữa.
Hình 4: Sự tương quan nghịch giữa thể trọng
và hàm lượng hemoglobin (Hb) khi cai sữa
Các nguồn cung chất sắt khác nhau khi tiêm cho heo con cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu chất sắt trên heo con. Nghiên cứu của Morales năm 2018 khi tiêm 200mg sắt (gleptoferron hoặc Fe-dextran) cho thấy: Heo con 3 ngày tuổi được tiêm gleptoferron đạt nồng độ tối đa (Cmax) gấp 2.2 lần và hoạt tính sinh học cao gấp 4.6 lần so với heo được tiêm Fe-dextran.
GIẢI PHÁP TỪ CEVA
FORCERIS® là sản phẩm chứa gleptoferron với liều tiêm 1.5ml (tương đương 200mg Sắt) cho tất cả heo con 2-3 ngày tuổi mà không cần phân biệt trọng lượng.
Bem-vindo à 3tres3
Ligue-se, partilhe e relacione-se com a maior comunidade de profissionais do sector suinícola.
Já somos 153623 Utilizadores!
Regista-teJá é membro?